
Hôm qua (15.12), các chuyên gia y học Đức của trường Đại học Y Charite công bố với cả thế giới bước thành công mới nhất trong quá trình tìm kiếm liều thuốc chữa căn bệnh thế kỷ HIV.
Giới y học Đức tin rằng đây có thể là trường hợp đầu tiên trên thế giới thoát khỏi căn bệnh thế kỷ với phương thức điều trị mới: Cấy ghép tủy.
Bệnh nhân này vừa bị ung thư máu, vừa nhiễm virus HIV. Các nhà khoa học Đức đã cấy ghép tế bào gốc lên cơ thể bệnh nhân này để chữa trị căn bệnh ung thư máu vào năm 2007. Sau 3 năm, bệnh nhân này không những khỏi bệnh máu trắng mà thậm chí không còn dấu hiệu của virus HIV trong cơ thể. Theo các nhà khoa học Đức, lý do là máu của người hiến có chứa cả gien đột biến giúp cơ thể người bệnh miễn nhiễm với HIV.
Thomas Schneider của bệnh viện và Đại học Berlin Charite cho biết, hiện bệnh nhân người Mỹ sống tại Berlin này hoàn toàn không còn virus trong cơ thể sau gần 4 năm được cấy ghép tủy.
"Kết quả trên của chúng tôi rõ ràng mở ra một khả năng lớn trong việc chữa trị thành công căn bệnh HIV", ông Schneider viết trên tạp chí Blood - ấn phẩm báo chí của Viện Huyết học cộng đồng Mỹ.
Tuy nhiên, mặc dù không phủ nhận thành công của bệnh nhân nhiễm HIV tại Đức nhưng theo các nhà khoa học, liệu pháp cấy ghép tủy xương hay cấy ghép tế bào gốc máu này được đánh giá là "vô cùng nguy hiểm" và "có độ rủi ro cao".
"Liệu pháp này không thực tế và nó lại có thể giết người. Dù nó là một liệu pháp có thể chữa trị thành công nhưng bạn sẽ không thể biết được khi nào bệnh nhân chết. Tới khi đó, đem những tế bào gốc sau khi chết đi phân tích mới biết được. Quá nguy hiểm", Tiến sĩ Robert Gallo của Viện virus học - Đại học Maryland phát biểu.
Dù sao đi chăng nữa, thông tin vừa được các nhà khoa học Đức công bố trên sẽ là tín hiệu tích cực mở ra cho cả thế giới về hy vọng chữa khỏi thành công căn bệnh HIV/ AIDS mà y học vốn phải "bó tay" trong nhiều thế kỷ qua.
Theo aids.vn
Copy and post 2-1-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét